Cây Trắc Đỏ giống là loài cây gỗ quý ngày càng khan hiếm trong tự nhiên. Trong số các cây lâm nghiệp, Trắc Đỏ là loại cây có giá trị kinh tế cao nhất. Gỗ trắc được đánh giá là bền – đẹp – lành và quý thuộc TOP đầu trong các loại gỗ. Bà con muốn trồng và phát triển cây lâm nghiệp rất nên tìm hiểu về loài cây này.
Đặc điểm hình thái của Trắc Đỏ
Cây Trắc Đỏ còn có tên gọi khác là cây Cẩm Lai Nam Bộ. Chúng có tên khoa học là Dalbergia cochinchinensis. Chúng có những đặc điểm nổi bật như sau:
Cây trắc đỏ là loài cây thân gỗ lớn có thể phát triển đến chiều cao 25m, đường kính thân lên đến 1m. Vỏ cây màu xám nâu, nhẵn và có nhiều xơ. Thân cây nhiều cành, cành non mảnh, nhẵn và lốm đốm nốt sần.
Lá cây thuộc dạng kép lông chim dài 15 – 20cm, mọc cách. Hoa cây trắc đỏ lưỡng tính hình chùm mọc ở nách lá. Quả Trắc Đỏ là quả đậu mỏng, dài 5 – 6cm và rộng 1cm, có 1 – 2 hạt mâu, nổi gồ ở quả.
Gỗ trắc đỏ cứng, chắc và có mùi thơm nhẹ và màu tươi. Loại gỗ này có màu đỏ nên còn được gọi là hồng mộc. Khi để lâu gỗ xuống màu đen nhưng không đen như gỗ trắc đen. Loại gỗ này có giá trị rất cao và ngày càng khan hiếm trong tự nhiên.
Cây Trắc Đỏ sinh trưởng và phát triển chậm. Cây non ưa bóng, cây trưởng thành ưa sáng. Loài cây này mọc ở nơi có độ cao không quá 500m so với mực nước biển. Vào mùa khô cây rụng lá nhưng nảy chồi rất nhanh.
Tại Việt Nam, trắc đỏ mọc rải rác ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế trở vào Nam. Loài cây này được xếp vào nhóm I trong nhóm gỗ quý hiếm cần được bảo tồn ở Việt Nam, cần được bảo tồn nguồn gen.