Cây xanh đô thị, cây bóng mát, cây công trình

Rate this post

Nhiều năm qua, việc tìm ra loại cây xanh đô thị thích hợp cho các công trình đô thị đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí cũng như trong các báo cáo, văn bản của các cơ quan chuyên môn, chính quyền. Trồng cây gì cho thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hạ tầng đô thị.

Đến thời điểm này, theo nhìn nhận của người viết, Nhiều thành phố đã cơ bản định hình được những loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của thành phố. Tất nhiên việc đánh giá, tổng kết là của cơ quan chuyên môn như Công ty Công viên- Cây xanh v.v… Qua theo dõi, quan sát thực tế, người viết xin đưa ra những nhận xét, đánh giá dưới góc độ cá nhân để rộng đường dư luận.

Về các loại cây xanh, ngoài những loại cây trong danh mục không được phép hoặc hạn chế trồng ở đô thị như Trứng cá (sê ri), cây hoa sữa, bàng, cây đa, bồ đề và sau này là cây Viết… thì hiện nay, có thể xác định một số loại cây đã khẳng định được “chỗ đứng”, cho dù ở đây đó nó phát triển chưa như ý muốn, trong đó đa số là do nguyên nhân khách quan như chất lượng đất, cây giống, bề dày tầng dinh dưỡng v.v… Ngoài ra, một số tồn tại không tránh khỏi nhưng có thể chấp nhận được là tình trạng rụng lá, hoa gây ít nhiều “vất vả” cho việc dọn quét hay ảnh hưởng về mỹ quan khi thời gian “trơ cành” quá lâu v.v và v.v

Một số loại cây công trình phổ biến hiện nay

Cây Lim xẹt (Muồng kim phượng): Lim xẹt có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong nhiều điều kiện khác nhau, chịu được nắng nóng, khô hạn. Đặc biệt, cây có thể phát triển tốt trên vùng đất toàn cát ở ven biển. Tại Đà Nẵng loại cây này đã được trồng khá phổ biến, trong hệ thống cây xanh đô thị, cây Lim xẹt được xếp vào trong 5 loài cây chủ lực của thành phố.

Cây Giáng Hương (còn gọi là cây Sưa trắng): Cây có dáng đẹp, hoa thơm. Cây Giáng Hương ưa đất thoát nước, mọc trên nhiều loại, chịu được điều kiện đất khô xấu thích hợp với những vùng có khí hậu chia thành 2 mùa mưa và khô rõ rệt. Nhược điểm của cây này là thời gian rụng lá khá lâu, lại thường nằm vào thời điểm “Tết đến Xuân về” nên về mặt cảnh quan chưa thật sự ấn tượng lắm, nhất là vào mùa Xuân.

Cây Còng (còn gọi là Muồng tím, Muồng ngủ, Me tây): Cây cao từ 15-25 m, tán lá rộng, luôn luôn xanh, hoa màu hồng hoặc tím nhạt, khi nở bung ra rất đẹp và thơm. Cây sinh trưởng cực nhanh và có biên độ sinh thái rất rộng, thích nghi hầu như với mọi điều kiện khí hậu thời tiết: phù hợp với đa số các loại đất, có khả năng chịu hạn rất cao, làm cây che bóng, cây cảnh quan rất tốt do cây mọc nhanh, có tán đẹp và rộng, ít bị trốc đổ khi có gió bão.

Cây Bàng Đài Loan: Loại cây này du nhập vào Đà Nẵng chưa lâu nhưng tỏ ra khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Đà Nẵng. Là loại cây thân gỗ nhỏ, cây có thể cao từ 10m-20m, cành thẳng, mọc vòng nhếch lên trên, tạo thành từng tầng. Tuy nhiên khi trồng cây trên đường phố thì cần phải cắt xén cành nhánh, tôn tạo cảnh quan cho phù hợp.

Cây Lộc vừng: Đây có thể xem là loại cây cảnh đô thị hiện đại, tạo nên cảnh quan tự nhiên mềm mại, đảm bảo sự hài hòa trong đô thị. Lộc vừng dễ trồng, dễ chăm sóc, tuổi thọ cao, có thể sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Hoa nở màu hồng tươi. Nhược điểm của Lộc vừng là hoa và lá cây rụng có thể làm mất vệ sinh nên cần thường xuyên quét dọn quanh gốc cây.

Cây Bằng lăng: Là loại cây có bóng mát đẹp, rất được ưa trồng trong đô thị, nổi bật với những bông hoa tím nhẹ nhàng, khiến cho người ta rất khó quên. Nó có khả năng chịu hạn, chống chịu gió bão và có hoa đẹp với nhiều màu sắc, phổ biến nhất hiện nay là Bằng lăng tím; Bằng lăng nước…

Cây Osaka Đỏ: Là loại cây bóng mát, được trồng khá phổ biến ở Đà Nẵng những năm gần đây. Cây có tán lá rộng, hoa đẹp có màu đỏ tía, trông khá bắt mắt, cây có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, thích nghi với các điều kiện vùng duyên hải, chịu được cả ngập lụt lẫn điều kiện đất mặn.

Cây Sấu: Một loại cây tưởng như chỉ phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, nhưng trong những năm qua lại thấy khá phù hợp với đất Đà Nẵng.

Cây Móng bò: Một loại cây cũng xuất hiện ở Đà Nẵng từ khá lâu. Nó có hoa đa dạng như hồng, trắng, tím hay vàng. Một số loài đang được trồng phổ biến như Móng bò hồng. Loài này cho hoa đẹp, nở đều quanh năm, phù hợp tạo cảnh quan…

Tuy đã có được những giống cây thích hợp, nhưng thiết nghĩ, trong quá trình phát triển cây xanh đô thị ở Đà Nẵng, cũng không nên trồng đại trà một loại cây nào đó, mà phải trồng đa dạng nhiều loài khác nhau mới đảm bảo bền vững được. Dĩ nhiên, trồng cây gì thì cũng phải có quy hoạch cụ thể, bài bản, không phải thích trồng chỗ nào là trồng. Do điều kiện môi trường đất đô thị nên phải chú ý đến nền đất nơi trồng, độ sâu cần thiết để rễ cây không phát vỉa hè, lòng đường nếu trồng quá cạn, đó là chưa kể dễ đổ ngã vào mùa mưa bão.

Đà Nẵng đã có “cây thích hợp”, vấn đề còn lại là việc trồng và quản lý, trong đó yếu tố “xã hội hóa” cần đặc biệt được quan tâm. Ngoài ra cần nghiên cứu, du nhập thêm các chủng loại cây mới để tạo sự phong phú và màu xanh bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *